Nhiều người cho rằng chuột có dây vẫn còn thông dụng và được nhiều người chọn dùng, có lẽ là vì nó rẻ hơn so với các dòng chuột cùng tính năng. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần sự thật.
Lý do để nhiều người vẫn chọn trung thành với chuột có dây, có nhiều lý do:
- Không chỉ giá rẻ hơn một mẫu chuột có tính năng, ở cùng đẳng cấp chất lượng, chuột có dây đặc biệt bền bỉ, nhất quán về mặt hiệu suất với độ trễ gần như bằng không
- Chuột có dây không cần dùng pin, giảm thiểu rác thải điện tử và cũng bớt đi rất nhiều phiền hà khi không phải thay pin hay chú ý đến thời lượng pin còn lại
- Chuột có dây về mặt tuổi thọ nhìn chung bền hơn, kéo dài thời gian dùng nhiều hơn chuột không dây
- Chuột có dây đa dạng kết nối, có thể kết nối với hầu hết các thiết bị điện tử miễn là có đầu cắm tương thích
- Chuột có dây vì kết nối trực tiếp với thiết bị qua dây cắm nên hạn chế tình trạng bị lạc mất khi dùng (nhất là với nhà có trẻ nhỏ hoặc thú cưng)
Chuột không dây cũng đang rất phát triển, liệu có lúc nào đó sẽ hoàn toàn thay thế chuột có dây?
Câu trả lời là có thể lắm, nhưng nếu vậy cũng còn rất rất lâu nữa. Thị trường thiết bị ngoại vi nói chung và chuột PC nói riêng rõ ràng trong nhiều năm gần đây, khi công nghệ không dây phát triển mạnh mẽ, đã có sự dịch chuyển đáng kể từ có dây –> không dây. Tuy nhiên để gọi là thay thế hoàn toàn cho chuột có dây, theo mình sẽ còn một chặng đường rất dài.
Bằng chứng là rất nhiều game thủ chuyên nghiệp, nổi tiếng đa phần đều dùng chuột có dây cho các phiên chiến đấu kéo dài, yêu cầu tốc độ cao, ổn định. Bằng chứng là hầu như mọi công ty đều trang bị chuột có dây cho nhân viên của mình.
Lý do nào chuột có dây không thể thay thế chuột có dây?
Điều mọi người vẫn thường than phiền về chuột có dây… là vì nó có dây. Sợi dây đó tuy không đáng là bao nhưng vướng víu, gây khó chịu, lại còn bất tiện về mặt thẩm mỹ, nhất là với các bạn ưa chuộng phong cách setup bàn làm việc tối giản tinh khôi với các thiết bị không dây kiểu dáng hiện đại.
Tuy nhiên, kể cả khi chúng ta không ngừng phàn nàn về sợi dây kia, thì chúng ta không đồng thời không thể phủ nhận tác dụng tối ưu mà sợi dây đó mang lại.
Đầu tiên là về độ trễ, thứ mà nhiều dòng chuột không dây phải tốn nhiều năm để giải quyết, vẫn chưa triệt để được như chuột không dây, lại còn đội giá thành lên từ ít đến nhiều lần. Chỉ với một con chuột có dây, gắn dây vào máy tính, bạn không còn lo bất kỳ gì về độ trễ nữa.
Tiếp theo là về giá. Kết quả tất yếu của việc tìm ra công nghệ không dây, cố gắng giúp chuột không dây vươn đến độ trễ ít nhất có thể đã khiến không ít dòng chuột wireless có giá thành cao ngất ngưỡng. Trong khi ở cùng phân khúc, tương đương tính năng và chất lượng, một con chuột có dây cũng nhiều khi chỉ có giá bằng phân nửa. Cụ thể hơn, giờ chỉ cần có trong tay khoảng 1 triệu đồng, bạn đã có thể sở hữu cho mình một con chuột công thái học có dây chơi game xuất sắc (như Zowie EC2-C mình đã từng dùng cách đây vài năm hoặc như DeathAdder Essential giá chỉ bằng nửa so với bản V2 Pro).
Thứ ba, quan trọng không kém, là với chuột có dây, bạn không bao giờ phải lo về thời lượng pin. Vì nó không có pin, không phải phụ thuộc vào bất cứ thứ gì pin trong pin ngoài. Cho nên chỉ cần giải quyết được sự vướng víu của sợi dây, bạn đã có thể thoải mái chơi game, dùng chuột không giới hạn mà không cần phải dòm tới dòm lui để check xem mức pin đang ở đâu hoặc nhớ lại xem đã sắp tới thời gian thay pin chưa.
Đồng ý tiêu chuẩn pin của các chuột không dây bây giờ đã lên rất cao, 70-80 tiếng là chuyện thường. Tuy nhiên, khi đang chơi hay đang làm việc mà phải ghi nhớ thời lượng pin quả thật là rất phiền toái. Chưa kể nếu bạn dùng hết mọi tính năng của chuột không dây (LED RGB này nọ) thì lại còn tốn pin nhanh hơn.
Thậm chí còn phải tính đến cả kiểu kết nối của con chuột không dây đang dùng sẽ ngốn pin thế nào.
Ví dụ dùng dongle 2.4 GHz, một con chuột không dây có thể đạt polling rate lên đến 4.000 Hz. Và ở mức kéo căng như vậy, một con chuột chỉ còn khoảng 20-30 giờ thời lượng pin. Trong khi với chuột có dây (như DeathAdder V3 Pro), polling rate đụng nóc với con số 8.000 Hz mà vẫn không bao giờ cần lo đến việc hết pin.
Với kết nối không dây bluetooth, tình hình còn “mệt” hơn. Polling thấp hơn nhiều trong khi lại cực kỳ ngốn pin. Nếu bạn muốn try hard hay chơi tới pin trong một trò chơi kéo dàng hàng chục, hàng trăm giờ thì cầm chắc thua.
Cuối cùng
Một lý do khác. Là tổng hợp của nhiều lý do trên. Giống như bạn quen và yêu nhiều cô gái, không ít cô rất hay ho. Nhưng để chọn một người và cưới, ở với mình mỗi ngày, bạn hẳn thường có xu hướng chọn cô gái hiền hòa, dễ mến, vui vẻ, luôn tạo cảm giác dễ chịu khi ở gần.
Chuột máy tính cũng vậy. Cuối cùng, sau một thời gian trải nghiệm thứ này tới thứ khác, bạn hẳn sẽ muốn hạ cánh với một con chuột mang lại cảm giác thoải mái cho mình mỗi ngày. Thoải mái ở đây là khi dùng nó bạn thấy quen thuộc, không cần nghĩ ngợi lo tính gì, chỉ việc đặt tay lên bàn và bắt đầu rê chuột thôi. Và thứ cảm giác đó, đúng là cho tới hiện giờ, chỉ có một con chuột có dây đáng tin cậy mới có thể mang lại toàn diện.
Khi bạn đã qua giai đoạn muốn làm màu cho góc làm việc, muốn góc chơi game đẹp không tì vết không một sợi dây, hay muốn thử nghiệm những con chuột không dây thế hệ mới cáu cạnh, thì chuột có dây sẽ luôn là bến đỗ an toàn.
Tất nhiên, cũng không thể khẳng định 100% là chuột không dây mãi mãi không thể thế chỗ chuột có dây. Đã có rất nhiều công nghệ không dây đang đạt hiệu quả vượt bậc ngoài kia, chưa kể các nhà phát triển đã đang dồn rất nhiều tâm huyết cho các mẫu chuột không dây đa dạng tính năng, thời lượng pin tăng vọt với độ trễ ngày càng thấp đi. Có thể một ngày nào đó lắm chứ.
Nhưng hiện tại, chuột có dây, với rất nhiều anh em ngoài kia, kể cả gamer lẫn dân làm việc văn phòng hay viết lách thiết kế nói chung, vẫn là sự lựa chọn tối ưu, nhẹ đầu và thoải mái nhất.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về chuột có dây?