Hôm nay mình sẽ bàn về Chất liệu của các tấm lót chuột (mousepad), cũng như ưu nhược điểm của từng loại khi dùng, hy vọng mang đến thêm một vài thông tin để bạn dễ chọn lựa.
CHẤT LIỆU CỦA LÓT CHUỘT/ MOUSEPAD
Lót chuột thường (vì có một số loại được làm với cấu tạo phức tạp hơn, phục vụ cho các nhu cầu đặc biệt) sẽ có 2 phần chính: phần mặt và phần đế. Ta sẽ nói đến chất liệu của cả hai phần này.
1/ Phần mặt của Lót chuột
Bề mặt cũng chính là nơi tiếp xúc trực tiếp với chuột, hỗ trợ cảm biến chuột hoạt động tốt, nhanh nhạy và chính xác hơn. Tay bạn cũng thường xuyên tiếp xúc với bề mặt của lót chuột, nên nó cũng quyết định phần nào cảm giác dễ chịu khi dùng. Phần mặt, ngoài ra, còn là diện mạo thẩm mỹ của mousepad khi đặt trên bàn làm việc.
Với 3 chức năng này, phần mặt của Lót chuột vì vậy luôn là thứ được chăm chút đầu tiên trong mọi thiết kế. Hiện nay, có một số chất liệu thường dùng chế tạo bề mặt Lót chuột như sau:
1/ Vải (fabirc)
Là một trong những chất liệu phổ biến nhất làm nên bề mặt lót chuột. Có nhiều loại vải khác nhau, với chi phí, giá trị, và tác dụng khác nhau, tạo nên lót chuột có giá thành dao động nhiều từ vài chục nghìn đến vài trăm thậm chí triệu đồng.
Hiện đây là một số chất liệu vài thường thấy để làm mặt Lót chuột: polyester (Lethal Gaming Gear Saturn Pro, Artisan Zero,…), microfiber (Gamesense, Pulsar ES2,…), micro-woven (Steelseries,…), Cordura (Pulsar Paraspeed, Endgame Gear MPC…
2/ Nhựa tổng hợp polycarbonate
Đây là loại nhựa cứng, được tổng hợp từ nhiều thành phần nguyên liệu khác nhau. Độ cứng, dẻo hay màu sắc của nó phụ thuộc vào tỉ lệ trộn của các thành phần này.
Ưu điểm của các tấm lót chuột bề mặt nhựa cứng là: dễ vệ sinh, lau chùi, có thể đặt trên nhiều bề mặt gồ ghề khác nhau, cho tốc độ di chuột nhanh. Tuy nhiên cũng không thể cuộn lại cho gọn khi cần di chuyển và độ ăn mòn khá lớn.
3/ Kính cường lực
Hiện đang là trào lưu mới của Lót chuột thế hệ tiếp theo. Ưu điểm của lót chuột bề mặt kính cường lực khá nhiều, nổi bật so với hai loại kể trên. Như bền bỉ khó bị ăn mòn, dễ vệ sinh tẩy rửa, tốc độ nhanh, không phụ thuộc vào độ gồ ghề của mặt bàn, thẩm mỹ bóng bẩy hiện đại tinh tế.
Thật ra chất liệu kính cường lực vốn đã được dùng trên Lót chuột từ khoảng năm 2002. Nhưng không được thị trường đón nhận như kỳ vọng, một phần cũng bởi giá thành cao và cảm giác nặng, cồng kềnh của chúng.
Nhưng đến năm 2017, khi Skypad tiên phong làm ra lót chuột kính cường lực với mức giá ổn áp, có được nhiều ưu điểm hấp dẫn, nên dần chất liệu này đã được nhiều người dùng tin tưởng.
2/ Phần đế lót chuột
Đế lót chuột bao gồm phần lõi bên trong lót chuột + mặt dưới tấm lót chuột
Đế lót chuột không trực tiếp chạm vào chân chuột nên không ảnh hưởng nhiều đến ma sát với chuột, nhưng chúng lại có vai trò rất lớn tạo nên cảm giác di chuyển, độ bám mặt bàn, cảm giác dừng chuột và độ ổn định của cả mousepad. Chính vì các vai trò này, phần đế lót chuột cũng được các hãng chăm chút không kém. Hiện nay, thông thường, đế lót chuột được làm từ các chất liệu sau:
1/ Cao su thiên nhiên
Nhờ độ mềm, đàn hồi ổn, dễ gia công, giá thành lại rẻ, cao su thiên nhiên hiện vẫn là loại chất liệu phổ biến nhất cho nhiều dòng lót chuột từ cao cấp đến bình dân.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn của cao su thiên nhiên là dễ hao mòn, dễ bị ảnh hưởng bởi lực và các tác nhân bên ngoài dẫn đến bị chai cứng, từ đó ảnh hưởng không tốt đến độ bám mặt bàn cũng như khả năng đàn hồi và cảm giác di chuột.
2/ Đế Poron
Có rất nhiều dòng chất liệu Poron được dùng cho nhiều mục đích khác nhau, nói ra thì rất nhiều kiến thức mà bản thân người viết cũng không thể hiểu hết.
Nhưng riêng cho Lót chuột, Poron nhìn chung là một loại foam polyurethane có độ bá tốt, đàn hồi cực mạnh, vượt trội hẳn so với cao su thiên nhiên. Thêm nữa Poron có thể điều chỉnh được độ mềm nên dễ làm dày mỏng, mềm cứng tùy vào tác dụng muốn tạo nên cho mỗi dòng lót chuột, điều này mang lại sự linh hoạt cần có cho các nhà sản xuất.
Nhược điểm duy nhất của nó là giá cao, nên hiện nay thường chỉ thấy trên các dòng lót chuột cao cấp và cận cao cấp.
Ngoài hai chất liệu trên còn có Polyurethane (PU), giá rẻ hơn Poron, cũng cho được độ bám cao nhưng sẽ giảm dần theo thời gian và nhiệt độ môi trường.
Riêng với lót chuột kính cường lực như có kể trong phần Bề mặt của Lót chuột. Phần mặt và đế của lót chuột kính sẽ là một tấm kính liền mạch duy nhất với mặt trên và mặt dưới đồng nhất, đều là kính chỉ khác nhau về màu sắc và họa tiết.
VÌ SAO CHẤT LIỆU KHÁC LẠI CHO TRẢI NGHIỆM LÓT CHUỘT KHÁC NHAU?
Trải nghiệm lót chuột hay cảm giác di chuột trên miếng lót được tạo nên từ tổng hợp hiệu quả của:
- Ma sát tĩnh: giúp chuột đứng yên, dừng lại. Ma sát tĩnh lớn, cảm giác di chuột càng nặng tay.
- Ma sát động: sẽ níu chuột khi chuột di chuyển. Ma sát động lớn, bạn càng dễ dừng chuột.
Và hai loại ma sát này đều được tạo nên trực tiếp từ chất liệu làm bề mặt lót chuột. Riêng với phần đế mousepad, tuy cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm di chuột, nhưng là tác động trực tiếp đến Stopping power, là khả năng hỗ trợ dừng chuột có kiểm soát.
Tùy thiết kế, dụng ý công dụng và đặc trưng của mỗi hãng, chất liệu của lót chuột có thể kết hợp giống hoặc khác nhau cho phần mặt, phần đế, để cùng nhau tạo nên tác động tương hỗ, từ đó hình thành nên cảm giác di chuột chung cho mỗi loại lót chuột.
Nên, cách tốt nhất để chọn lót chuột đúng ý vẫn là thử trực tiếp tại nơi bạn. Từ đó, bạn có thể biết được chính xác mình cần bao nhiêu lực để di chuột, chuột có dễ dừng khi đang vẩy không, rồi có bị trượt khi nghiêng bề mặt lót chuột đi một chút không, có cân bằng giữa tốc độ và dừng chuột không… Các yếu tố thế này, tuy khó có thể đo đạc được bằng con số chính xác, nhưng hoàn toàn có thể cảm nhận rõ bằng cách dùng thử.
Thêm vào đó, trong cùng một loại chất liệu, tùy vào tỉ lệ trộn các thành phần, cấu tạo dày, thưa của các sợi chất liệu, độ căng, cách may, loại keo dùng gắn kết bề mặt với phần đế lại với nhau, cũng ảnh hưởng không ít đến cảm giác di chuột (Vd mặt vải có cấu tạo dày sẽ cứng cáp, giúp di chuột nhanh hơn mặt lót chuột vải có cấu trúc thưa…)
Như vậy, với vô vàn biến thể, các lót chuột có thể tạo nên cảm giác: nhanh, trôi, khó kiểm soát như Skypad (kính cường lực), Pulsar Paraspeed (vải Cordura), Lethal Gaming Gear Venus Pro (vải polyester dệt non-woven)… tới cả những loại thiên về kiểm soát nhanh – trung bình như Gamesense Radar (vải microfiber), Lethal Gaming Gear Saturn Pro (vải polyester kiểu dệt micro-woven) và Saturn thường (đế cao su).
Hơn nữa, tác dụng cuối cùng của lót chuột còn tùy thuộc vào yếu tố bên ngoài, như có dùng mouse feet hay không, rồi bản thân loại chuột đang dùng là loại nào. Sự phức tạp này khiến cho cảm giác dùng lót chuột trở thành một khái niệm chủ quan, tùy vào cảm nhận riêng của mỗi người mà lựa chọn, không có chuẩn chung cho bất cứ ai, cũng không có tốt nhất, đúng hoặc sai.