Deskmat ngắn gọn là tấm lót bàn, thứ nằm giữa bạn cùng mọi thiết bị máy tính và đồ dùng đang có trên bàn làm việc. Theo lý thuyết, deskmat lý tưởng nên là một “lót chuột cỡ đại”, đủ che toàn bộ mặt trên của bàn. Với cách nghĩ này, deskmat đúng tiêu chuẩn sẽ có 3 công dụng chính sau đây:
- Bảo vệ tốt cho mặt dưới của các thiết bị máy tính (như chuột, bàn phím, màn hình, headphone…) nơi tiếp xúc, ma sát trực tiếp với bàn làm việc.
- Bảo vệ mặt bàn làm việc dù cho bạn đang làm việc hoặc chơi game
- Giúp thao tác của tay trên các thiết bị máy tính trở nên dễ dàng, khỏe khoắn và thoải mái hơn, không bị cảm giác cộm cấn, đau tay khi dùng. Rõ ràng nhất là cảm giác rê chuột đã hơn, âm thanh khi gõ phím trầm, đầm hơn.
Nhưng trên thực tế, có không ít phân loại deskmat không đạt tiêu chuẩn. Kể cả khi mua về thì dù đạt tính thẩm mỹ, nhưng không phát huy 3 công dụng trên. Nên, nếu đã xác định muốn dùng một deskmat hẳn hoi, bạn cần chú ý các tiêu chí sau đây khi chọn deskmat.
Kích thước bao nhiêu là phù hợp?
Bạn sẽ cần đo đạc kỹ kích thước mặt bàn làm việc của mình. Đa phần các deskmat được sản xuất theo kích cỡ tiêu chuẩn của một bàn làm việc chữ nhật thông minh. Nên nếu bạn đang dùng loại bàn có mặt cong, hoặc có hình dáng khác thường kỳ lạ, thì cũng nên cân nhắc có nên dùng deskmat không.
Kích thước deskmat nên vừa đúng hoặc nhỏ hơn một chút xíu so với chu vị mặt trên bàn. Chọn như vậy để đảm bảo đủ chỗ cho mọi thiết bị đang có trên bàn cùng với bất kỳ phụ kiện muốn đặt để trang trí. Nếu kích cỡ quá nhỏ hoặc quá to, bạn sẽ bị hụt, bị thừa, cảm giác cứ chông chênh khó chịu, lại không ổn về mặt thẩm mỹ.
Quan tâm đến chất liệu của tấm lót bàn
Deskmat có thể làm từ nhiều chất liệu khác nhau, tùy hãng, tùy giá tiền. Như từ da PU, từ foam, từ nhựa hoặc cả kính cường lực. Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng. Phần này mình sẽ nói chi tiết trong một bài khác. Tuy nhiên, có thể tạm phân thành 2 nhóm lớn: deskmat cứng và deskmat mềm.
- Deskmat cứng (làm từ nhựa, kính, kim loại, gỗ): thường nặng, độ dày từ thấp tới cao đều có, có độ trơn láng cao, tăng tốc chuột tốt, luôn đi kèm vời phần keo cố định trên mặt bàn. Các deskmat nhóm này thường đa dạng về mặt hình ảnh, họa tiết, thiết kế, tuy nhiên cồng kềnh và hầu như khá khó di chuyển nếu muốn thay đổi vị trí. Chúng có khả năng bảo vệ tốt, di chuột tốt, tuy nhiên khả năng hãm thanh cho bàn phím và cảm giác mềm mịn trong đôi tay khi thao tác thì khá ít. Một số loại nếu không có phần keo dán tốt sẽ dễ bị trượt sau một thời gian dùng.
- Deskmat loại mềm (làm từ foam, vài, cao su, da, nhựa dẻo tổng hợp…): độ dày từ vừa tới rất dày tùy nhu cầu, có độ bám dính tốt, control chuột tốt, hãm thanh bàn phím ổn, dễ di chuyển khi cần, thậm chí có thể cuộn gọn mang theo. Deskmat mềm sẽ giúp bảo vệ tốt, và đồng thời mang lại được cảm giác mềm nhẹ cho đôi tay khi làm việc. Tuy nhiên nhược điểm là ít mẫu mã, không đa dạng về màu sắc và thiết kế hay họa tiết trên bề mặt.
Lưu ý: một số deskmat được thiết kế vốn chuyên dành cho một loại bề mặt bàn nào đó (ví dụ mặt gỗ hoặc mặt kiếng), bạn cần xem kỹ thông tin trước khi mua về.
Trực tiếp thử tác dụng của deskmat khi rê chuột và gõ bàn phím
Cũng giống như chuột, bàn phím và nhiều thiết bị công nghệ khác, không gì tốt hơn được trực tiếp thử xem công dụng, cảm giác thế nào trước khi mua deskmat.
Để hiểu mình có thật sự hợp với tấm lót bàn sắp tậu về không, bạn nên thử tại chỗ. Trải nó ra ngay ngắn đúng kích cỡ, sau đó thử rê một con chuột tương tự loại đang dùng ở nhà và gõ thử chừng 10 phút trên bàn phím. Xem xét các yếu tố độ nhanh nhạy, độ trì, độ hãm, cảm giác êm của tay, độ lún khi đặt bàn phím và cảm giác gõ phím có gì thay đổi so với khi chưa có deskmat…
Tất cả các yếu tố này nếu không được test kỹ, sẽ dễ trở thành điểm khó chịu khiến trải nghiệm dùng deskmat của bạn về lâu dài không được như mong đợi.
Cân nhắc các tính năng phụ trợ trên Deskmat sắp mua
Một số loại deskmat hiện đại (như Magic Mat Pro của Raycon) ngoài đặc tính chính là bảo vệ và giúp ích cho thao tác thiết bị máy tính, chúng còn được tích hợp một số tính năng phụ, như sạc không dây cho điện thoại và tay nghe, đèn LED RGB đồng bộ hóa với thiết bị khác của cùng hãng…
Các tính năng phụ trợ này có thể làm đội giá của deskmat, khiến nó có giá cao hơn so với mặt bằng chung. Và để biết mình thật sự có cần đến các tính năng cao cấp này không, bạn cần quay lại với nhu cầu thực của mình. Bạn có muốn một tấm trải bàn có đèn nhấp nháy, chúng có khiến bạn phân tâm, bạn có nhu cầu sạc pin khi ngồi trên bàn làm việc hay muốn sạc trực tiếp theo cách cũ với đồ sạc tiện dụng?
Điều cần thiết ở bước này là nên thực tế với nhu cầu của mình và không vung tay quá trán. Tốt nhất cũng nên dùng thử xem các thiết lập này có thật sự phù hợp với thói quen dùng thiết bị của mình. Nếu mọi thứ ok, hãy cân nhắc. Còn nếu thấy có chút lấn cấn, mình khuyên bạn nên quay về với căn bản tính năng của một tấm deskmat.
Một số lưu ý nhỏ khác trước khi mua Deskmat
Đừng vội vàng mua các đồ trang trí khác cho bàn làm việc. Thay vào đó bạn nên mua thiết bị máy tính, thiết bị công nghệ cần thiết trước. Sau đó đến deskmat. Rồi cuối cùng là đồ trang trí.
Vì bố trí deskmat cho bàn làm việc cần cả 3 yếu tố: Tiện lợi, Thẩm mỹ và Khoa học. Đồ trang trí mua trước chưa hẳn đã phù hợp, thoải mái cho việc di chuyển tay trên bàn làm việc. Và cũng có thể không hợp rơ với desktmat bạn sắp mua. Nên cân nhắc kỹ thứ tự khi mua đồ dùng làm việc, trang trí cho góc của mình.
Trên đây là một số lưu ý quan trọng khi chọn mua deskmat, hy vọng đã giúp bạn phần nào.