Chuột và bàn phím là hai thiết bị ngoại vi điều khiển máy tính hầu như không thể tách rời và không thể thiếu với người dùng công nghệ. Không ai biết tương lai mọi thứ sẽ thay đổi thế nào, có thể người ta không cần dùng đến chuột mà thay bằng điều khiển cảm ứng kiểu như Iphone đang làm rất tốt, có thể người ta không cần dùng đến bàn phím cơ mà sẽ dùng bàn phím quang ảo trong đó tất cả các phím đều dưới dạng phản chiếu ánh sáng rồi tương tác bằng các ngón tay. Nhưng mọi việc đều là của tương lai, hiện tại anh em chúng ta vẫn không thể nào sống thiếu chuột và bàn phím cơ nhỉ?
Vậy một số điều nào cần lưu ý đầu tiên khi chọn thay một em chuột và bàn phím cơ mới cho mình khi có nhu cầu?
CHUỘT MÁY TÍNH
Có rất nhiều loại chuột hai phím đơn giản, rẻ tiền ngoài thị trường, nhưng dám cá bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên một khi dùng thử và hiểu ra rằng một con chuột máy tính cao cấp, đẹp, làm việc thực sự hiệu quả (và thường đắt tiền) sẽ làm cho ngày làm việc của bạn thay đổi nhiều đến thế nào. Vì nó vừa đạt hiệu quả thẩm mỹ cao làm đẹp thêm cho chiếc bàn làm việc đơn điệu, vừa có chức năng cao vì rê nhẹ nhàng dễ dàng mềm mượt nhờ các bánh lăn tốt và bền, click hiệu quả nhạy bén, đến độ đôi khi không phải dùng một chút lực bấm nào là cũng có tác dụng click ngay. Việc này giúp bạn hạn chế triệu chứng cổ tay thường thấy ở người dùng máy tính lâu ngày và làm cho công việc dễ dàng nhanh chóng hơn.
Kích thước và yếu tố công thái học
Yếu tố quan trọng nhất khi chọn mua một em chuột máy tính chính là cảm giác mà nó mang lại cho bạn khi dùng, và cảm giác này bị ảnh hưởng bởi ba phần: kích thước, độ bám và tính công thái học. Kích thước chủ yếu được chọn dựa vào sở thích cá nhân, nên để chọn kích thước đúng không có cách nào tốt hơn là cầm và dùng thử trong tay. Trên lý thuyết thì kích thước chuột sẽ tương thích với một số cách cầm chuột nhất định.
1/ Cầm chuột kiểu Palm grip: bạn đặt toàn bộ bàn tay mình lên chuột và sử dụng lòng bàn tay để di chuyển chuột đi xung quanh. Cách cầm chuột này giúp bạn di chuyển nhanh hơn những kiểu khác nhưng lại bấm chuột ít chính xác hơn, vì vậy không phải lúc nào cách này cũng tốt cho các game thủ nhất là trong những trò chơi cần những di chuyển tinh xảo. Thường người dùng Palm Grip nên dùng loại chuột có một điểm bấm lồi và lớn hơn ở phía sau để lòng bàn tay đươc nghỉ ngơi thoải mái khi dùng.
2/ Cầm chuột kiểu Claw Grip: Lòng bàn tay của bạn vẫn đặt trên lưng chuột, nhưng các ngón tay cong lại theo hình móng vuốt và thường dùng đến ngón tay cái và ngón đeo nhẫn để click chuột. Cách này cho hiệu quả click tốt và chính xác hơn nhưng sẽ dễ làm căng thẳng đôi bàn tay và mỏi cổ tay. Bạn nên chọn những con chuột có chiều dài nhỉnh hơn một chút và có đường viền, để giúp các ngón tay bớt cong nhất có thể và gián tiếp giảm áp lực cho phần cổ tay.
3/ Cầm chuột kiểu Finger Grip: đây là kiểu cầm chuột tốt nhất. Bàn tay hoàn toàn nằm trên lưng chuột, ngón tay duỗi vừa phải và hoàn toàn dùng các đầu ngón tay để click chuột. Với kiểu bấm này bạn sẽ tự hạn chế được các triệu chứng mỏi mệt có related đến dùng chuột, và việc chọn một em chuột cũng đơn giản hơn, tốt nhất nên dùng loại chuột có chiều dài trung bình hoặc ngắn hơn một chút và phẳng hơn (ít độ phồng và không có điểm bấm lồi lên).
Ngoài ra độ bám dính và hình dáng công thái học của chuột cũng là điều cần lưu ý tiếp theo. Chọn một em chuột có hình dáng quá cầu kỳ phức tạp vừa có thể gây cho bạn một số bất tiện không đáng có, vừa làm xao lãng trong quá trình dùng máy. Độ bám dính quá cao cũng gây phiền hà, làm cho rê chuột chậm và tốc độ làm việc cũng chậm theo, còn độ bám dính quá thấp dễ trơn trợt trên mặt bàn làm cho việc bấm chuột không chính xác và người dùng cũng vất vả để đuổi theo những cú trượt bất ngờ của chuột bàn phím. Hai yếu tố này tùy thuộc hoàn toàn vào thói quen và cảm nhận riêng của mỗi người và không hề có bất cứ thông số khoa học hay lời khuyên tương ứng nào. Hãy dùng thử và trải nghiệm, bạn sẽ biết rõ mình cần điều gì.
Có dây hoặc không dây
Một trong những yếu tố mang tính quyết định khi chọn chuột là: chọn loại có dây hay không dây. Nhìn chung chuột không dây có khuynh hướng thuận tiện hơn, có thể dễ dàng mang đi và dùng trên bất kỳ loại mặt phẳng nào. Tuy nhiên bạn cần lưu ý thông số về độ trễ của chuột không dây (khoảng 8ms), độ trễ này có thể không ảnh hưởng gì nếu bạn làm việc văn phòng hay gõ phím căn bản, nhưng nếu để chơi các game tốc độ cao thì con số này thật sự đáng lo. Ngoài ra chuột không dây có thể làm nhiễu một số thiết bị không dây khác trong nhà như bộ định tuyến G hay điện thoại không dây 2.4 GHz. Các em không dây cũng cần dùng pin, nên đây có thể trở thành một bất tiện nếu bạn là người hay quên.
Trong lựa chọn không dây cũng có chia làm hai loại nhỏ RF và Bluetooth. Chuột RF thường phản ứng nhanh hơn và có phạm vi tác dụng dài hơn, nhưng sẽ cần có bộ thu USB, nếu mất bộ thu này coi như bỏ em ấy vào sọt rác. Chuột Bluetooth cao cấp khó tìm hơn và cũng có độ trễ lớn hơn một chút nhưng được cái thuận tiện và không phụ thuộc và số đầu thu USB có sẵn trên máy tính.
Các nút bổ sung trên chuột
Cũng cần lưu ý đến các nút bổ sung có trên chuột, đặc biệt nếu bạn chơi game chuyên nghiệp. Thường thấy nhất là nút cuộn tròn ngay giữa hai phím click chính giúp cho việc di chuyển chuột ở những khoảng không gian nhỏ trở nên dễ dàng và chính xác hơn việc rê truyền thống. Với gamers, còn có một số nút bổ sung cần thiết khác như các nút mũi tên, một số nút đại diện cho phím tắt tiện dùng và nhanh chóng để chơi game. Tùy vào nhu cầu cụ thể mà anh em có thể chọn chuột có các nút bổ sung nhiều hay ít.
Độ nhạy của chuột
Độ nhạy này thật ra phụ thuộc vào các yếu tố đã kể trên như kích thước, độ bám và hình dáng chuột. Độ nhạy được tính bằng số chấm trên mỗi inch (DPI). Hầu hết chuột trung bình đến cao cấp có độ nhạy > 1.200 DPI. Một số chuột cao cấp thậm chí còn có nút cho phép chuyển đổi các cấp độ nhạy khác nhau mà không cần mở bảng điều khiển phía trong.
Một số loại chuột cao cấp đang được các game thủ hàng đầu tin dùng thường đến từ các hãng Logitech, Razer, Microsoft…
Phần tiếp theo của bài related đến việc chọn một bàn phím cơ thế nào cho hợp lý. Anh em đón xem nhé!
(Nguồn tham khảo: https://lifehacker.com/how-to-choose-the-perfect-mouse-and-keyboard-5865351)